Trang chủ » CÁC THUẬT NGỮ ĐÁ QUÝ

CÁC THUẬT NGỮ ĐÁ QUÝ

CÁC THUẬT NGỮ ĐÁ QUÝ

thuật ngữ đá quý

Trong việc nghiên cứu hay trao đổi, buôn bán các mặt hàng đá quý, chúng ta không thể không nắm rõ các thuật ngữ chuyên dùng. Có hàng trăm thuật ngữ phục vụ cho việc nghiên cứu chuyên sâu, những thuật ngữ này chúng ta sẽ tìm hiểu ở những phần tiếp theo của bài viết, ở phần này chúng ta chỉ tìm hiểu một vài thuật ngữ cơ bản thường xuyên được sử dụng nhất:

Đá quý tự nhiên (Natural gemstones)

Đá quý tự nhiên là đá quý được hình thành trong tự nhiên, không chịu bất cứ một tác động nào của con người ngoại trừ những việc như khai thác, gia công và chế tác.

Đá quý tự nhiên đa số là các khoáng vật, tập hợp các khoáng vật, hoặc đá. Chúng cũng có thể là những vật liệu tự nhiên khác có nguồn gốc từ sinh vật như ngọc trai, san hô hóa thạch, amber hổ phách (nhựa cây hóa thạch)… Đá quý tự nhiên có thể có nguồn gốc hữu cơ hoặc vô cơ.

Cho đến nay, thế giới đã nghiên cứu và tìm ra hơn 5300 khoáng vật trên trái đất, khoảng 5100 trong số này được công nhận bởi Hiệp hội Khoáng vật học quốc tế(IMA), trong đó có trên 100 khoáng vật đáp ứng được các đặc tính cần thiết dùng làm đá quý, phục vụ cho ngành trang sức, trang trí nhà cửa, điêu khắc mỹ nghệ. Mỗi một loại khoáng vật (species) có thể có nhiều những biến thể khác nhau (variety), điều này phụ thuộc vào thành phần hóa học, màu sắc, hình dạng tinh thể… Ví dụ như khoáng vật corindon có các biến thể là ruby (màu đỏ), saphire (màu lam); hay nhóm khoáng vật beryl có các biến thể là emerald ngọc lục bảo, aquamarine (màu lơ), morganite (màu hồng), goshenite (không màu)… Các loại đá quý có nguồn gốc hữu cơ như amber hổ phách, san hô, ngọc trai… không nhiều, cho đến nay được công nhận chỉ khoảng 10 loại.

Mỗi loại đá quý cũng có nhiều tên gọi khác nhau, ngoài tên khoa học được dùng trong ngành khoáng vật học, tùy vào nền văn hóa, thị trường đá quý… chúng lại được đặt cho những cái tên khác nhau. Ví dụ như đá Garnet màu đỏ có tên khoa học là garnet, nhưng trong thị trường buôn bán đá quý, đa số gọi chúng là ngọc hồng lựu.

Đá tổng hợp (Synthetic stones) và đá nhân tạo (artificial products)

Mong muốn được làm đẹp, được sở hữu cái đẹp của con người là vô giới hạn, trong khi đó có nhiều loại đá quý trong tự nhiên vô cùng quý hiếm và đắt tiền, khiến việc sở hữu chúng trở nên khó khăn. Trải qua hàng triệu năm, con người đã thể hiện khả năng chinh phục được tự nhiên bằng cách tạo ra máy móc, thiết bị và công nghệ nhằm thay đổi điều kiện sống. Ngành khoáng vật học cũng vậy, nhằm đáp ứng nhu cầu sở hữu đá quý của con người, các chuyên gia về khoáng vật học ngày nay đã có thể tạo ra đá quý tổng hợp, đá quý nhân tạo thay thế cho đá quý tự nhiên, với chất lượng không hề thua kém và giá thành thấp hơn rất nhiều.

Đá tổng hợp là các sản phẩm được kết tinh hoặc tái kết tinh, được con người chế tạo một phần hoặc hoàn toàn bằng các máy móc và thiết bị. Các sản phẩm này có cấu trúc, đặc tính vật lý hóa học, màu sắc… về cơ bản giống như các sản phẩm sinh ra từ tự nhiên. Đến nay, sự phát triển của ngành khoa học khoáng vật học đã phát minh ra công nghệ chế tạo được kim cương, các biến thể của corundum như ruby và saphire, alexandrite, thạch anh, lapis lazuli… và công nghệ bắn ánh sao vào đá tạo ra hiệu ứng quang học nhân tạo.

corundum tổng hợp

Các biến thể corundum tổng hợp

Còn nhiều loại đá quý khác cho đến nay vẫn chưa được con người tổng hợp, đa phần là do công nghệ chưa đạt được thành quả hoặc chúng không mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đá quý nhân tạo là các vật liệu chủ yếu do kết tinh, những loại đá này hoàn toàn do con người chế tạo ra và chúng không có các tính chất vật lý, hóa học, cấu trúc tinh thể giống như tự nhiên.  Trong thị trường hiện nay, có thể kể ra một số sản phẩm tiêu biểu cho đá quý nhân tạo như: CZ (Cubic Zirconia) thay thế cho kim cương, Moissanite (moissanit), GGG (Gadolinium gallium garnet), YAG (Yittrium aluminum garnet)…

CZ (cubic zircon)

CZ (cubic zircon)

Đá xử lý (Gems Treatments)

Là các loại đá tự nhiên, được con người dùng các phương pháp khoa học nhằm mục đích nâng cấp chất lượng của chúng. Các phương pháp thường được sử dụng như xử lý bằng nhiệt, chiếu xạ, tẩy và nhuộm màu… Ví dụ thạch anh khói sau khi được xử lý nhiệt có thể đổi màu thành thạch anh tím Amethyst.

Đá thay thế (Gem Immitation)

Là những loại vật liệu có đặc điểm bên ngoài như màu sắc, độ trong… tương tự như đá quý tự nhiên, nhưng có thành phần và đặc tính lý hóa khác với đá tự nhiên. Những loại vật liệu thay thế có thể là đá tự nhiên, đá tổng hợp hoặc nhân tạo hoặc đá đã qua xử lý. Hiện nay, trong thị trường trang sức và đá quý thường gặp một số loại vật liệu thay thế như:

Kim cương: người ta thường dùng các loại đá từ tự nhiên để thay thế cho kim cương như biến thể corundum không màu, zircon, topaz hay thạch anh… hoặc các loại tổng hợp như spinel, saphire… hoặc các vật liệu nhân tạo như CZ, GGG, YAG…

Nhóm Corundum:

  • Ruby: Để thay thế cho ruby, người ta có thể dùng một số biến thể của garnet, spinel, thạch anh hồng, tourmaline… các nhà khoa học Thái Lan thậm chí đã tạo ra Ruby ánh sao tổng hợp.
  • Saphire: Ngoài các vật liệu tổng hợp, người ta còn dùng các loại đá tự nhiên có màu sắc dễ nhầm lẫn với Saphire như iolite, tanzanite, tourmatine… để thay thế cho saphire.

spinel và ruby

Spinel và ruby khá giống nhau, người ta thường dùng Spinel để thay thế cho ruby

Nhóm Beryl:

  • Emerald ngọc lục bảo: Người ta thường dùng các loại đá có màu sắc tương tự với Emerald như peridot, diopside, tourmaline…, các đá qua xử lý (như thạch anh xử lý qua nhiệt).
  • Aquamarine: Một số vật liệu dùng làm thay thế aquamarine như spinel tổng hợp, topaz chiếu xạ, thủy tinh nhân tạo…

Đá ghép

Đá ghép là thuật ngữ dùng để chỉ việc dùng keo (hoặc bất cứ phương pháp kết dính nào) để ghép từ hai hay nhiều thành phần lại với nhau. Các thành phần này có thể là đá tự nhiên hoặc đá tổng hợp hoặc đá thay thế.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *