Nếu ai hay theo dõi về kim cương sẽ thấy không phải cửa hàng nào cũng công bố một bảng giá đầy đủ cho Kim cương kiểm định GIA. Chắc hẳn không ít người cho rằng đơn vị bán cố tình lập lờ giá bán, “nhìn mặt đặt tên” để tối ưu lợi nhuận … Nhưng thực tế không phải như vậy, có nhiều thông tin để giải thích vấn đề này:
– Về bản chất, đa số các bảng giá kim cương ở Việt Nam chỉ có thể niêm yết theo Kích thước (Size), Màu (Color) và Độ sạch (Clarity) – ba yếu tố được nhiều người biết đến nhất. Tuy nhiên, giá trị thực tế của một viên kim cương được quyết định bởi hàng chục yếu tố khác chứ không chỉ đơn thuần là Color & Clarity. Thậm chí 2 viên kim cương có các thông số 4C (Color – Clarity – Cut – Carat) giống hệt nhau, được ghi rất rõ ràng trên giấy kiểm định GIA cũng không hoàn toàn giống nhau 100% về chất lượng & giá cả. Ví dụ một viên kim cương Nước D – Độ sạch FL (Flawless) gần như hoàn hảo, nhưng bị “oily” (do bản chất của viên hoặc do ảnh hưởng của Fluorescence) thì có thể bị mờ, thiếu sức sống. Hoặc các viên kim cương nước F trở xuống bị “ngả nâu” (brown), hoặc các viên độ sạch từ VS1 trở xuống bị “váng sữa” (milky) hay “chấm đen” (black) cũng ảnh hưởng nhiều đến vẻ đẹp, do đó có mức giá rẻ hơn rất nhiều so với các viên cùng thông số 4C nhưng không bị các vấn đề này. Đặc biệt với dạng step cut – dạng cắt hình thang thường thấy ở các viên kim cương Emerald Cut hoặc Baguette trong suốt, tuy cùng độ sạch là VS nhưng vị trí khác nhau của các tì vết cũng ảnh hưởng rất lớn tới vẻ đẹp thực tế của viên. Những vấn đề này thực sự rất phức tạp đối với người mua thông thường, do đó cặp mắt “chuyên gia” cùng cái “tâm” của người bán hàng đóng vai trò then chốt.
Đối với Kim cương Fancy Shape và Fancy color thì vấn đề bảng giá chuẩn lại càng phức tạp hơn do các hình dạng này thường không có các quy định về thông số chặt chẽ như kim cương Tròn. Ví dụ một viên trái tim có cùng 2 kích thước 7.2mm x 6.3mm nhưng tùy thuộc vào độ cong của cạnh, độ dày của viên thì trọng lượng có thể rất khác nhau dẫn đến giá cả cũng rất khác nhau ở cùng 1 chất lượng.
– Ngoài bản chất phức tạp của Kim cương, một vấn đề khác là việc cạnh tranh không lành mạnh, “cướp khách” vẫn thường nhan nhãn xuất hiện, nhất là trên các nền tảng mạng xã hội. Các nhà bán hàng “thiếu đạo đức” thường ít đầu tư vào việc quảng bá, nâng cấp dịch vụ để thu hút khách hàng mà hay rình rập, cố tình chơi xấu, phá giá để “cướp khách” đã được các đơn vị khác tư vấn và chăm sóc từ đầu. Đây cũng là một lý do khiến các nhà bán lẻ kim cương khá ngại khi phải công khai toàn bộ bảng giá của mình.
– Yếu tố kế tiếp là giá Kim cương cũng hay biến động. Thông thường, kim cương sẽ tăng giá tầm 10-15% mỗi năm. Tuy nhiên ở mỗi thời điểm, mỗi size, mỗi thông số khác nhau, giá có thể sẽ tăng giảm thêm tùy thuộc vào cung cầu. Ví dụ giá của 5.4mm D VVS1 (size phổ biến mà người Việt Nam ưa thích) có thể có những lúc tăng rất cao vào cuối năm; do đồng loạt toàn bộ thị trường Việt Nam săn tìm những viên kim cương này. Nên nhớ rằng các nhà mài cắt kim cương trên thế giới, họ sẽ cố gắng canh kích thước tròn số theo carat như 0.5ct, hay chẵn 1 ct và tính toán để đạt các tỉ lệ hoàn hảo (proportion) cho viên kim cương lấp lánh nhất, hơn là canh vào kích thước “phong thủy” “9 nút” như Việt Nam. Do đó, nguồn cung của những viên kim cương vừa đẹp, vừa chuẩn phong thủy không phải lúc nào cũng dồi dào và đáp ứng được nhu cầu trong nước.
Vì sự phức tạp này, mà nhiều nhà bán lẻ sẽ không công bố 1 bảng giá đầy đủ hoặc chỉ công bố giá từng viên. Nếu bảng giá quá đơn giản thì không phản ánh được hết thị trường; nếu bảng giá quá dài & phức tạp thì người đọc bị rối và không thể hiểu hết được.
TUY NHIÊN, điều này KHÔNG có nghĩa là các nhà bán kim cương muốn bán bao nhiêu thì bán và được phép tùy tiện. Các đơn vị bán đủ lâu, am hiểu thị trường và có nguồn cung hàng mạnh vẫn đủ sức để tạo nên một bảng giá tham khảo, rõ ràng và minh bạch để khách hàng dễ lựa chọn – dù điều này đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, tính toán kĩ càng, chuẩn hóa trong khâu tuyển chọn kim cương đầu vào và một đội ngũ mua hàng đủ mạnh (để đảm bảo luôn có thể mua được những viên kim cương ở đúng mức giá và chất lượng đã niêm yết).
Đối với các đơn vị nhỏ hơn, nếu chưa có bảng giá niêm yết đầy đủ thì bạn cũng nên yêu cầu người bán cho xem bảng giá những viên với kích thước và thông số phổ biến, hoặc bảng giá từng viên đơn lẻ. Nếu là người bán minh bạch thì một bảng giá (dù có thể chưa hoàn toàn đầy đủ và thường xuyên thay đổi) là thứ phải luôn có tại cửa hàng, và luôn được triển khai rõ ràng đến nhân viên bán hàng.