CÁC TIÊU CHUẨN GIÁ TRỊ CỦA ĐÁ QUÝ
Đá quý là một loại vật liệu tự nhiên ( một khoáng vật, hoặc nhiều khoáng vật, đá…) tạo thành do quá trình địa chất hoặc do hoạt động của sinh vật hoặc do thời gian, có giá trị quý hiếm được con người tìm thấy và sử dụng vào mục đích làm trang sức, trang trí, mỹ nghệ. Trong số hơn 5070 khoáng vật trên thế giới, chỉ có khoảng 100 trong số đó được coi là đá quý. Vậy một viên đá quý phải đạt được các tiêu chuẩn giá trị như thế nào:
ĐẸP
Đẹp là tiêu chuẩn đầu tiên, cao nhất và quan trọng nhất để đánh giá chất lượng và giá trị của đá quý. Tiêu chuẩn “đẹp” được quy định bởi các yếu tố là màu sắc, độ trong suốt, độ phản chiếu ánh sáng (ánh) và các hiệu ứng quang học đặc biệt.
- Màu sắc: Màu sắc càng tươi, càng đậm và rõ ràng thì viên đá càng đẹp và có giá trị cao. Như Ruby, emerald ngọc lục bảo, saphire, ngọc phỉ thúy là những loại đá quý có màu sắc đẹp nhất.
- Độ trong suốt: Đá quý không có tạp chất, không nứt vỡ, độ trong suốt càng cao thì giá trị thương mại càng lớn.
- Độ phản chiếu ánh sáng: Đá quý có độ phản chiếu ánh sáng cao, lấp lánh, làm lôi cuốn thị giác của con người như kim cương, zircon có giá trị rất cao.
- Các hiệu ứng quang học đặc biệt: Có một số loại đá quý không có màu sắc bắt mắt, không trong suốt hoặc cũng không có độ phản chiếu ánh sáng cao, tuy nhiên chúng có những hiệu ứng quang học đặc biệt như hiệu ứng ánh sao (trong đá ruby), hiệu ứng ánh sáng trò chơi, hiệu ứng ngũ sắc (đá opal), hiệu ứng thay đổi màu sắc (alexandrite)…
BỀN
Giống như tiêu chí đánh giá bất cứ một sản phẩm cao cấp nào trong đời sống con người, các sản phẩm quý ngoài đẹp ra cũng phải bền, và bền cũng là một tiêu chí hết sức quan trọng đối với đá quý. Đá quý có độ bền cao giúp tránh khỏi tác động từ bên ngoài trong quá trình sử dụng như va chạm, rơi rớt, hóa chất… Bền bao gồm độ cứng , độ bền về mặt hóa học và độ dai.
- Độ cứng: hay độ bền cơ học, là khả năng chịu được tác động từ va đập, rơi rớt. Đá phải ít có khả năng bị vỡ, sứt mẻ hoặc trầy xước. Những loại đá quý phải có độ cứng từ 7 trở lên theo thang độ cứng Mohs. Sở dĩ đá quý phải đạt độ cứng từ 7 trở lên vì trong không khí, thành phần bụi bẩn chủ yếu chính là các mảnh vụn li ti của thạch anh, chúng có độ cứng là 7, trong quá trình sử dụng lâu ngày dễ mài mòn hoặc làm trầy xước đá quý. Tuy nhiên, với các trường hợp có độ cứng thấp nhưng có độ phản chiếu ánh sáng cao hoặc có hiệu ứng quang học đặc biệt, vẫn được coi là đá quý và đòi hỏi chúng ta phải biết cách giữ gìn và bảo quản.
- Độ dai: Một số đá quý trong tự nhiên có độ cứng thấp nhưng lại rất dai do cấu trúc đặc biệt như ngọc phỉ thúy ( loại ngọc rất được ưa chuộng ở phương Đông). Tuy chỉ có độ cứng khoảng 6-6,5 theo thang Mohs nhưng chúng rất bền do cấu tạo sợi.
- Độ bền về mặt hóa học: Ngày nay, khi xã hội phát triển, con người khó tránh khỏi việc tiếp xúc với hóa chất hàng ngày như tắm rửa, vệ sinh, sản xuất. Không khí cũng ô nhiễm bởi các hóa chất độc hại thải ra từ khói xe, nhà máy… Đá quý phải có độ bền chống lại sự ăn mòn của các axit và hóa chất độc hại. Ngoài ra, đá quý cũng phải chịu được sự tác động của nhiệt độ, đặc biệt là trong môi trường nhiệt độ cao.
HIẾM
- Con người luôn có tư tưởng quý đi đôi với hiếm, cái gì hiếm thì mới quý. Như đá Alexandrite đạt tiêu chuẩn chỉ có xuất xứ ở Nga, và là một trong những loại đá hiếm hoi có hiệu ứng thay đổi màu sắc, loại đá này có giá trị còn cao hơn rất nhiều so với kim cương. Ở thế kỷ trước, thạch anh tím Amethyst cũng có giá trị rất cao bởi tính quý hiếm, nhưng cho đến thế kỷ 20, khi các mỏ thạch anh tím được tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới, giá trị của amethyst bị giảm xuống ở mức trung bình.
Ba tiêu chuẩn trên đặc biệt quan trọng và quyết định giá trị của một viên đá quý, tuy nhiên với sự phát triển của ngành công nghiệp trang sức đá quý, giá trị của chúng cũng bị chi phối bởi một số tiêu chuẩn nữa:
THỊ HIẾU
Thị hiếu là thứ luôn luôn thay đổi và biến động theo thời gian, vùng miền, văn hóa. Ví dụ như ngọc phỉ thúy là loại đá quý được ưa chuộng ở vùng các nước phương Đông trong khi người dân các nước Phương Tây lại ít khi coi trọng loại ngọc này. Ở Trung Quốc, Thái Lan hay Việt Nam thường chuộng loại Ruby có màu đỏ hồng trong khi ở Ấn Độ hay các nước Trung Đông lại chuộng những viên Ruby có màu đỏ đậm.
Xét về mặt thời gian, ở thời cổ đại, đá Opal được cho là có khả năng bảo vệ con người khỏi ma quỷ, khi đó chúng có giá trị cao hơn vàng, nhưng ngày nay giá trị này đã thay đổi đi rất nhiều.
CHẤT LƯỢNG CHẾ TÁC
Đá quý sau khi được khai thác sẽ được chế tác thành đồ trang sức. Tất nhiên, nếu những viên đá quý thô sơ vào tay của một bậc thầy về chế tác, chúng sẽ có giá trị hơn gấp nhiều lần.
GỌN NHẸ
Đá quý chủ yếu được sử dụng trong ngành công nghiệp trang sức, chính vì vậy chúng không được quá lớn và quá nặng để con người có thể mang theo bên mình. Tuy nhiên, điều này không áp dụng trong trường hợp đá quý sử dụng làm linh vật phong thủy (như thiềm thừ, tỳ hưu).
TÍNH ỔN ĐỊNH GIÁ CẢ
Đá quý phải được công nhận và có giá trị ổn định trong một thời gian dài.