Vài nét về tổ nghề kim hoàn

Vài nét về tổ nghề kim hoàn

Lịch sử nghề kim hoàn Việt Nam ghi nhận các làng nghề truyền thống: làng nghề vàng bạc Châu Khê (Hải Dương), làng nghề chạm bạc Đồng Xâm (Thái Bình), làng nghề dát vàng Kiêu Kỵ (Hà Nội), làng nghề Kế Môn (Thừa Thiên – Huế), làng nghề dây chuyền Bình Chánh (TP.HCM). Ở làng Kế Môn, cụ tổ nghiệp Cao Đình Độ và người con trai cả là Cao Đình Hương di cư từ Thanh Hóa vào – được triều Nguyễn sắc phong lần lượt là đệ nhất và đệ nhị tổ sư ngành kim hoàn Việt Nam.

Các ngành nghề, làng nghề truyền thống ở Hội An là tiếp nối truyền thống ngành nghề từ các vùng châu thổ Bắc bộ, Bắc Trung bộ trong điều kiện cư trú, sinh thái – nhân văn mới, tiếp biến với truyền thống ngành nghề của cư dân bản địa là người Chăm và cả cư dân các nước đã đến cư trú, buôn bán ở Hội An, đặc biệt là người Hoa, Nhật.

Tiệm vàng Vĩnh Lợi xưa 

Ông Mai Văn Đức – người Hội An quen gọi là ông Công, chồng bà Đạm sinh năm 1946 ở làng Kế Môn vào Hội An năm 1960 khi mới 14 tuổi. Ban đầu, ông được phụ việc và học nghề ở tiệm vàng Vĩnh Lợi với ông chủ tiệm Nguyễn Thanh Chức – một người bà con, cùng làng cũ. Ông Công kể, lúc 14 tuổi ông đã thấy tiệm vàng của ông Lê Quang Kiết (người Hội An gọi là ông Tư Kiết) rất lớn ở gần tiệm vàng Vĩnh Lợi. Hai người em của ông Tư Kiết là ông Lê Quang Bính (Sáu Bính), ông Lê Quang Đạt đều theo nghề kim hoàn nhưng chỉ ông Tư Kiết gắn bó lâu nhất với nghề. Trước đây, ngày giỗ tổ nghề kim hoàn được nghiệp đoàn kim hoàn Hội An tổ chức rất long trọng tại nhà ông Tư Kiết vào ngày 27.2 (âm lịch).

Tính cộng đồng và gắn kết của nghiệp đoàn kim hoàn Hội An những năm trước 1975 mạnh đến mức, trong ngày này, nếu tiệm vàng nào không đến giỗ tổ sẽ bị cả nghiệp đoàn tẩy chay, không thừa nhận giá trị sản phẩm của tiệm vàng đó trong giao dịch. Cùng ông Công đến những nơi trước đây là cửa tiệm vàng trên các con phố hoặc quanh chợ Hội An, chúng tôi  mới hiểu tại sao từ xa xưa Điện Bàn đã có câu “Cầm cân xuống phố mua vàng/Gặp anh giữa đàng bảy lượng còn ba”. “Phố” trong câu ca dao này, không đâu khác là trung tâm đô thị cổ Hội An.

Phố kim hoàn ngày cũ

Lúc đi trên những ngả phố để chỉ cho chúng tôi vị trí các cửa tiệm vàng xưa, ông Công nói: “Người Hội An không nói “thợ vàng” hay “thợ kim hoàn” mà nói “thợ bạc” cho dù người thợ ấy hàng ngày chế tác vàng”. Có lẽ, người ta gọi “thợ bạc” là bởi tất cả những người thợ khi bắt đầu học chế tác vàng đều phải thực hành, rèn luyện với bạc. Lối nói này cũng cho thấy sự khiêm nhường của những người trong nghề kim hoàn. 

Trên trục đường Nguyễn Thái Học, ông Công chỉ cho chúng tôi thấy nhà ông Tư Kiết ở số 62. Cách đó không xa, nhà số 70 là tiệm vàng Vĩnh Lợi, giờ đây con cháu đã trưng tấm biển gỗ: “Nhà thờ ông bà Nguyễn Thanh Chức”. Gần đối diện đó là cửa tiệm ông Một (Vạn Hưng), tiệm ông Sắn quẹo (ông là thợ gia công giỏi có một ngón tay bị tật nên người Hội An gọi là ông Sắn quẹo), tiệm ông Trương Kim Điền, tiệm ông Đương, tiệm Thanh Tri, tiệm Kim Hùng, tiệm ông Nguyễn Xuân Phú. Đối diện nhà ông Tư Kiết, những năm sau 1975 có cửa hàng vàng bạc của Ngân hàng Nhà nước Hội An (nay là nhà 51 Nguyễn Thái Học), nơi ông Mai Văn Đức và ông Trần Thứ – nay đều ở tuổi “xưa nay hiếm” gắn bó nhiều năm làm thợ gia công.

Gọi là “tiệm” nhưng không phải chủ tiệm nào cũng kinh doanh, có người chỉ là thợ gia công, họ gắn cuộc mưu sinh với cái bàn gỗ rộng chừng 70x90cm được đóng đơn giản, chắc chắn, một bộ đốt bằng xăng (gồm bệ đạp, ống dẫn và vọt) cùng vô số dụng cụ đồ nghề bé xíu như thước, cưa, đe, búa, kìm, kéo, nĩa, nuội, ve, giũa… nhiều món đồ nhỏ tới mức lọt thỏm trong lòng bàn tay, yêu cầu sự công phu, tỉ mỉ và đặc biệt tinh tế về mức độ khi người thợ sử dụng lực tác động lên chúng trong quá trình tạo tác. Ngoài ra, mỗi tiệm còn trang bị một cân tiểu ly, một máy cán mỏng quay bằng tay, bàn kéo sợi với nhiều kích cỡ, nhỏ nhất chỉ lớn hơn sợi tóc.

Ông Hồ Tá Thương (thường gọi là ông Đương), cũng người làng Kế Môn sinh năm 1945 hiện ở nhà 30 Phan Châu Trinh (Hội An), từng là người thợ kim hoàn nổi danh với chữ tín và tài năng gia công ở Hội An từ trước năm 1975. Những năm khó khăn, ban ngày ông thuê một phần mặt tiền của ngôi nhà trong phố làm nghề, ban đêm gia đình ông về ở trong một căn nhà nhỏ tại con hẻm bé xíu, vậy mà người phố Hội vẫn rủ nhau tìm đến tận nhà ngay cả khi ông đã đóng cửa để nhờ ông làm các món đồ kiểu mà thợ cùng thời không làm được.

Nghề kim hoàn xưa ở Hội An. Ảnh: Vĩnh Tân. Nguồn: Phòng Tư liệu và Thông tin di sản – Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Ông Đương học nghề từ năm 1957 khi mới 12 tuổi, đến năm 2010 ông mới chính thức nghỉ ngơi sau 53 năm gắn bó với nghề kim hoàn. Năm 1957, ông Đương bắt đầu cuộc đời phiêu diêu khắp nơi cùng nghề kim hoàn: ban đầu ông học nghề với ông Trần Đình Thứ, ông Lê Tám – là người bà con ở Quy Nhơn, sau đó ông tiếp tục lên Ban Mê Thuột, Đà Lạt. Ở nơi nào ông cũng chọn làm nghề với những người thợ giỏi và có quan hệ bà con cùng làng Kế Môn.

Đến năm 1964, ông Đương về Hội An làm thợ với ông Nguyễn Thanh Chức – anh cùng mẹ khác cha ở tiệm vàng Vĩnh Lợi. Bản tính ưa phiêu lưu, thích khám phá nên làm ở tiệm Vĩnh Lợi được một thời gian, ông lại tiếp tục đi những nơi khác cho đến năm 1973 mới quay về Hội An vừa làm thợ gia công, vừa mở tiệm riêng.. 

Nghề tỉ mỉ, công phu

Thời ông Công, ông Đương mới vào nghề, tất cả các công đoạn đều làm thủ công. Những năm 1970 trở đi, các dụng cụ được cải tiến hơn so với trước nhưng cơ bản, người thợ vẫn làm bằng tay. Công việc của người thợ kim hoàn khá nhiều nhưng tựu trung có thể kể đến những khâu quan trọng như: phân kim, đánh giá tuổi vàng, chế tác mẫu và sửa chữa gia công.

Phân kim là công việc giải phóng các tạp chất ra khỏi vàng để lấy vàng nguyên chất. Đầu tiên, người thợ đem vàng còn lẫn tạp chất bỏ vào cái mẻ gốm để nấu chảy bằng ngọn lửa của bếp khò đạp bằng chân (dụng cụ này đã được cải tiến so với thời kỳ trước đó bếp khò điều khiển bằng tay giống như dụng cụ của người thợ thiếc) rồi đưa hóa chất vào, đợi cho vàng kết tủa, lấy vàng ra rửa lại trong một dung dịch khác, sau đó đem nấu lại thành vàng 3 số 9.

Việc xác định tuổi vàng thời đó hoàn toàn dựa vào cảm quan, phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm, năng khiếu của người thợ kim hoàn. Để xác định tuổi vàng, người thợ dùng ngọn lửa xì nung chảy tập trung tại một điểm bất kỳ của sản phẩm, khi để nguội, chỗ bị đốt cháy để lại bề mặt cháy bóng là không lẫn đồng, nếu phần bị đốt cháy không nhẵn bóng mà bề mặt gai gọi là vàng sạn, tức lẫn đồng.

Trong nghề kim hoàn nói chung, công việc phân kim nói riêng, lửa vô cùng quan trọng. Sau khi thử chảy bóng tại một điểm, nhúng nước, để nguội, lau khô, gõ sản phẩm lên mặt đe bằng thép, nếu chỉ nghe tiếng “bịch” mà không có âm ngân thì được gọi là vàng tốt. Giới kim hoàn xưa có câu “vàng câm, bạc cạch” ý nói hai thứ kim loại này đạt độ tinh khiết cao, nếu khi gõ phát ra tiếng kêu “keng” càng rõ là vàng thấp tuổi. 

Việc chế tác mẫu mã có ba dạng: thông thường, khách hàng đưa mẫu cho chủ tiệm, người chủ yêu cầu thợ làm theo mẫu cho khách; thứ hai, người chủ nghĩ ra mẫu mới để thợ chế tác; dạng thứ ba, người thợ chủ động sáng tạo ra những mẫu mã mới. Người thợ nhìn mẫu, sao chép kiểu dáng bằng mắt và hình dung ra tất cả quy trình để chế tác theo mẫu. Tuy chế tác thủ công nhưng ngày đó có rất nhiều mẫu mã đa dạng. Đơn giản nhất là cái khâu tròn, dây chuyền, bông tai, cái neo đeo tay… 

Vào những năm 1965 – 1970, ngoài việc khảm ngọc, đá lên mặt dây chuyền, khách hàng có trào lưu sử dụng những logo hình tròn với ba đường nhánh bên trong, có xuất xứ từ biểu tượng chống chiến tranh hạt nhân, người Việt Nam gọi là logo phản chiến, gắn với ý nghĩa về khát vọng hòa bình để làm mặt dây chuyền. Một trong những món đồ khó làm nhất những năm 1960 – 1970 là cái neo – một trang sức đeo tay của phụ nữ trung niên. Làm một cái neo tốn ít nhất cũng một lượng vàng và ba ngày công thợ. Để làm cái neo, người thợ cần phải nấu vàng ra cho mềm sau đó đưa vào bàn kéo, dùng kìm kéo thành sợi nhỏ như cái chân hương dài chừng 2 – 3 thước vàng, sau đó bện hai sợi vàng vào nhau như đan dây dừa. Khó nhất là phải vặn vỗ sao cho ba đường sống tạo thành hình tam giác và những múi hàn tinh tế để mắt thường không nhìn ra. 

Ông Công kể, ngày mới vào làm thợ ở tiệm Vĩnh Lợi, có hôm người chủ đi chơi, khách đến yêu cầu làm cái neo, ông phải đi tìm ông Lê Quang Đạt (từng làm thợ kim hoàn, lúc này đã chuyển sang nghề sửa đèn măng xông ở chợ Hội An) chỉ bảo cách làm. Ông Đạt không chỉ là thợ giỏi và nhớ nghề lâu mà tính tình dễ mến nên đã chỉ bảo cặn kẽ từ chuyện đo thước tấc ra sao cho đúng đến hướng dẫn cách vặn, vỗ từng mối đan, múi hàn để làm ra cái neo cho khéo, cho tinh tế.

Ông Đương và cái mẻ gốm để nấu vàng.

Kể về sự tinh tế của nghề này, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Kế Đông có một kỷ niệm với ông Công: Lúc anh còn nhỏ, có lần ông Công tịch thu quả banh khi anh đang chơi với bạn. Việc ông Công không trả quả banh đã để lại “vết thương lòng” tưởng chẳng thể lành trong anh. Nhưng chuyện đời đã rẽ theo một hướng có hậu: gần đến đám cưới, anh Đông bối rối vì mới để dành được 3 phân vàng tây (loại vàng thấp tuổi), chưa biết làm sao để có chiếc nhẫn cưới cho giá trị trong hôn lễ.

Chị Bích – vợ sắp cưới của anh làm ở Ngân hàng Nhà nước Hội An chia sẻ chuyện này với ông Công, khi đó đang là thợ phân kim, cùng cơ quan. Bằng sự khéo léo, tỉ mỉ của mình, ông Công đã dùng số lượng vàng ít ỏi ấy chế tác thành công một chiếc nhẫn vừa ngón tay chị Bích, trên nhẫn còn kết hình những trái tim nhỏ xíu đan vào nhau trông rất xinh. Việc chế tác giúp một chiếc nhẫn tinh xảo, đạt độ thẩm mỹ cao của ông Công đã như một phép màu vi diệu chẳng những hàn gắn “vết thương lòng” thời ấu thơ trong anh Đông mà còn khiến ông trở thành ân nhân đặc biệt của gia đình.

Từ giữa tháng 10 âm lịch cho đến cận Tết, hầu như người thợ kim hoàn nào cũng phải làm thêm buổi đêm. Những ngày cao điểm, mỗi người thợ phải làm 13 – 14 tiếng mới đáp ứng được nhu cầu của khách nơi phố Hội. Theo ký ức của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Kế Đông, thời ấy, ở Hội An, nhiều người làm thuê được chủ nhà nuôi ăn ở, hàng tháng họ không nhận lương. Đến những ngày cận Tết, họ được chủ trả lương cả năm bằng những khâu vàng. 

Bây giờ, kỹ thuật kim hoàn trong nước và quốc tế đã phát triển rất nhiều, rất nhanh. Với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại, những khách hàng giàu có có thể sở hữu nhiều bộ trang sức được thiết kế với mẫu mã riêng, mang đậm dấu ấn cá nhân người sử dụng. La cà một buổi ở những tiệm vàng trên đường Hoàng Diệu sát chợ Hội An, thả sức ngắm nghía những món đồ được chế tác cầu kỳ, tinh xảo với sự hỗ trợ của thiết bị hiện đại, chúng tôi mỏi mắt tìm chiếc neo theo mô tả của người thợ kim hoàn xưa nhưng khi hỏi đến cái neo, người chủ tiệm đưa ra mặt dây chuyền hình mỏ neo (!). 

Cái neo – món trang sức đeo tay của phụ nữ trung niên những năm 1960 – 1970 ở Hội An giờ chỉ còn trong tâm trí những người thợ kim hoàn xưa, dẫu họ vẫn còn lưu giữ những món dụng cụ thủ công từ hơn 50 năm qua cùng ký ức về từng công đoạn chế tác nhưng chúng tôi không dám chắc họ còn có thể sử dụng vì nay đã tuổi cao, sức yếu. 

Bài và ảnh: Khiếu Thị Hoài

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *