XÁC ĐỊNH TỶ TRỌNG BẰNG PHƯƠNG PHÁP DUNG DỊCH NẶNG

XÁC ĐỊNH TỶ TRỌNG BẰNG PHƯƠNG PHÁP DUNG DỊCH NẶNG

Sielit da cam nằm trên muscovit (mỏ Pingwu, Trung Quốc)

Phương pháp cân thủy tĩnh tuy cho kết quả chính xác nhưng đòi hỏi thao tác phức tạp và tính toán khá lâu, phải có cân phân tích với độ chính xác khá cao.

Có một phương pháp khá nhanh và đơn giản để xác định tỷ trọng của đá quý, khoáng vật, dù kết quả chỉ là tương đối. Đó là phương pháp dung dịch nặng. Bản chất của phương pháp này như sau. Nếu viên đá được thả vào trong một dung dịch có tỷ trọng thấp hơn tỷ trọng của chính nó, nó sẽ chìm xuống; ngược lại, khi thả viên đá vào một dung dịch có tỷ trọng lớn hơn, viên đá sẽ nổi lên trên mặt. Trường hợp tỷ trọng của viên đá và dung dịch bằng nhau, viên đá sẽ lơ lửng trong dung dịch.

xác định tỷ trọng bằng dung dịch

Sơ đồ phương pháp dung dịch nặng xác định tỷ trọng đá Peridot

Cho đến nay các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm nhiều dung dịch nặng để xác định tỷ trọng của đá quý và khoáng vật. Yêu cầu đặt ra đối với các dung dịch này là phải có tỷ trọng cao và có khả năng pha trộn với các dung dịch khác để cho các giá trị tỷ trọng khác nhau phù hợp với tỷ trọng của hầu hết các loại đá quý. Thực tế giám định đã cho phép lựa chọn 3 dung dịch nặng đáp ứng tốt nhất các yêu cầu trên, đó là:

  1. Bromoform (CHBr2), là một dung dịch không màu, có tỷ trọng 2,86. Tỷ trọng này có thể giảm xuống bằng cách pha với monobrom-onaphthalene (tỷ trọng=1,49), với xăng hoặc toluel (tỷ trọng bằng 0,88), trong đó monobromonaphthalene là thích hợp nhất.
  2. Iodua methylen (CH2I2), tỷ trọng 3,32, có thể pha loãng bằng xăng, toluel hoặc bromoform.
  3. Dung dịch Clerici (muối malonat và format Tl trong nước), tỷ trọng 4,15 ở nhiệt độ phòng, có thể pha loãng bằng nước.

Các phòng thí nghiệm, các cơ sở giám định, các doanh nghiệp có thể mua các dung dịch này tại các cửa hàng hóa chất, sau đó chuẩn bị cho mình một số lọ có giá trị tỷ trọng khác nhau. Tỷ trọng của dung dịch được xác định bằng một thiết bị gọi là tỷ trọng kế hoặc một số khoáng vật, đá quý chỉ thị (có tỷ trọng xác định) như:

  1. Bromoform pha loãng bằng toluen đến tỷ trọng xấp xỉ 2,5. Chỉ thị: thạch cao 2,3 và đá mặt trăng 2,57.
  2. Bromoform pha loãng bằng toluen đến tỷ trọng xấp xỉ 2,7. Chỉ thị: thạch anh 2,65 và calcit 2,71.
  3. Bromoform tinh khiết có tỷ trọng 2,7. Không cần chỉ thị.
  4. Iodua methlen pha loãng bằng bromoform đến tỷ trọng xấp xỉ 3,1. Chỉ thị: tourmaline (lơ lửng).
  5. Iodua methylen tinh khiết, tỷ trọng 3,32. Không cần chỉ thị.
  6. Dung dịch Clerici pha loãng bằng nước đến tỷ trọng xấp xỉ 3,7. Chỉ thị: spinel 3,60 và chrysoberyl 3,73
  7. Dung dịch Clerici pha loãng bằng nước đến tỷ trọng xấp xỉ 4,0. Chỉ thị ruby tổng hợp (lơ lửng).

Hiện nay một số cơ sở ngọc học trên thế giới (Viện ngọc học Hoa Kỳ – GIA, hiệp hội ngọc học Anh Quốc) đã sản xuất các bộ dung dịch nặng. Một bộ dung dịch như vậy thông thường gồm 4 lọ với các giá trị tỷ trọng 2,65; 2,89; 3,05 và 3,32 được ghi trên từng lọ. Khoảng giá trị tỷ trọng này về cơ bản đáp ứng dải thay đổi tỷ trọng của phần lớn đá quý được con người sử dụng. Ngoài ra, trong bộ dung dịch nặng này còn có hai lọ dung dịch: một để pha loãng và một để làm tăng tỷ trọng của các lọ trên khi giá trị tỷ trọng của chúng bị thay đổi (do hiện tượng bốc hơi…). Để biết được giá trị tỷ trọng có thay đổi hay không, trong mỗi lọ dung dịch người ta cho vào một miếng kim loại chỉ thị có tỷ trọng đúng bằng giá trị tỷ trọng ghi trên thành lọ. Nếu miếng kim loại chỉ thị này lơ lửng trong dung dịch thì giá trị tỷ trọng chưa thay đổi, nếu chìm xuống là dung dịch đã bị loãng, và nếu nổi lên- dung dịch đã có tỷ trọng tăng lên.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *