KHÁI NIỆM CÁT KHAI TRONG ĐÁ QUÝ

KHÁI NIỆM CÁT KHAI TRONG ĐÁ QUÝ

Cát khai là tính chất của tinh thể đá quý vỡ dọc theo các mặt phẳng xung yếu tương đối xác định trong tinh thể đá quý. Thông thường các mặt phẳng này nằm giữa các lớp nguyên tử hoặc theo các vị trí có liên kết nguyên tử yếu nhất và luôn luôn song song với các mặt tinh thể có thể gặp trong tinh thể. Các mặt cát khai không hoàn toàn nhẵn bóng như mặt tinh thể mặc dù chúng rất ổn định và phản chiếu ánh sáng đều. Một số lớn khoáng vật có tính năng tách vỡ theo một hoặc vài phương khác nhau dưới tác dụng của một lực cơ học.

Tham khảo: Khái niệm hệ tinh thể trong đá quý

Tùy theo chất lượng của mặt cát khai (mức độ tách dễ dàng), người ta phân biệt:

  • Cát khai rất hoàn toàn, khi khoáng vật dễ dàng tách vỡ thành tấm, lớp dọc theo những mặt phẳng nhẵn bóng như gương. Ví dụ: Mica, thạch cao.
  • Cát khai hoàn toàn: khi khoáng vật tác vỡ dưới tác dụng một lực cơ học (bị đập nhẹ), mặt cát khai bằng phẳng và có ánh. Ví dụ: calcite, topaz.
  • Cát khai trung bình: khi mặt tách vỡ có chất lượng thay đổi, chỗ phẳng, chỗ sần sùi. Những chỗ không bằng phẳng là vết vỡ. Ví dụ: felspat, amphibol.
  • Cát khai không hoàn toàn: trường hợp này rất khó phát hiện mặt cát khai phẳng. Ví dụ: apatit, casiterit.
  • Nhiều khoáng vật đá quý hoàn toàn không có cát khai, chỉ có vết vỡ vỏ sò như corindon, beryl…

Ngoài mức độ cát khai còn cần phải phân biệt phương (các phương) cát khai, góc giữa các phương cát khai. Các dấu hiệu này cũng giúp ích nhất định trong giám định đá quý. Ví dụ, topaz là loại đá quý cát khai hoàn toàn theo mặt cơ sở; calcit cát khai hoàn toàn theo các mặt thoi; kim cương có cát khai hoàn toàn theo 4 phương song song với các mặt của hình bát diện; pyroxen cát khai tốt theo hai phương cắt nhau một góc 90°, trong khi amphibol có các phương cát khai cắt nhau một góc 120°.

cát khai đá quý

Các phương cát khai khác nhau trong đá quý

a. Theo hình khối lập phương (vd: halit);

b. Theo hình tám mặt (vd: kim cương);

c. Theo hình mặt thoi (vd: calcit);

d. Theo mặt cơ sở (vd: topaz);

e. Theo hình lăng trụ (vd: spodumen).

Ngoài ý nghĩa giám định, tính cát khai cũng cần được lưu tâm khi chế tác đá quý. Thông thường khi chế tác đá quý kiểu mài giác (faceted), người ta không bao giờ để cho mặt bàn (table) song song với phương cát khai, vì chúng rất dễ bị vỡ tách theo phương này. Ví dụ như topaz luôn có phương cát khai hoàn toàn song song với mặt cơ sở vì vậy khi chế tác topaz ta phải tránh không để mặt bàn song song với phương này.

cát khai đá quý

Tính cát khai của một số đá quý

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *